Bộ Năng lượng Mới và Tái tạo (Ấn độ) chỉ đạo các cơ sở khoa học hợp tác nghiên cứu Hợp hạch lạnh (LENR)

Khoảng 30 nhà khoa học đến từ khắp Ấn độ đã họp tại Bengaluru ngày Thứ 3 vừa qua để thảo luận về những bước tiếp theo trong công việc nghiên cứu một nguồn năng lượng vừa rẻ vừa sạch, mang tên là “Phản ứng hạt nhân năng lượng thấp” (LENR: Low-Energy Nuclear Reactions) hay, đơn giản hơn, “Hơp hạch lạnh” (Cold Fusion). Buổi họp được chủ trì bởi tiến sĩ Anil Kakodkar, cựu chủ tịch Bộ Năng lượng Nguyên tử.

Theo tiến sĩ Baldev Raj (giám đốc Học viện Nghiên cứu Quốc gia), cuộc họp được tổ chức theo lệnh của Bộ Năng lượng Mới và Tái tạo.

Tiến sĩ Raj không công bố nhiều chi tiết về nội dung cuộc họp vì, theo ông, đây là trách nhiệm và quyền lợi của Bộ. Tuy nhiên, ông cho hay rằng tinh thần chung của cuộc họp là Ấn độ cần đẩy mạnh nỗ lực của mình để nghiên cứu về “phản ứng hạt nhân năng lượng thấp”.

Mục đích của cuộc họp là vạch ra một con đường để nghiên cứu thêm về hiện tượng “hợp hạch lạnh”. Một số thiết bị và hệ thống phát điện sử dụng phản ứng hợp hạch lạnh hiện đang được thương mại hóa trên thế giới.

Một số chuyên gia, ví dụ như tiến sĩ Mahadeva Srinivasan (một nhà khoa học làm việc trước đây tại Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Bhabha), tin rằng hợp hạch lạnh có thể trở thành nguồn năng lượng chính của thế giới trong một tương lai không xa.

PictureTiến sĩ Mahadeva Srinivasan

Tiến sĩ Srinivasan cũng tham dự cuộc họp tại Bengaluru. Theo ông, khi cuộc họp kết thúc, mọi người đã quyết định rằng bốn nhóm học viện và nhà khoa học sẽ triển khai các chương trình nghiên cứu về hợp hạch lạnh và họ sẽ làm việc dưới sự giám sát của một ủy ban khoa học. Trong số các học viện nói trên, có Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Indira Gandhi.

“Hợp hạch lạnh” là gì?

Giống như năng lượng (nhiệt) được giải phóng khi một hạt nhân phân hạch trong các nhà máy điện hạt nhân hiện tại, năng lượng cũng được tạo ra khi hai hạt nhân kết hợp với nhau. Nhưng, theo cách hiểu truyền thống trong vật lý hạt nhân, chúng ta phải cung cấp một lượng năng lượng khổng lồ để khiến hai hạt nhân hợp lại với nhau, vì cả hai hạt nhân gồm những hạt có điện tích dương (tức là proton) và các proton thường đẩy lùi nhau. Vì thế, trước đây, việc tạo một phản ứng hợp hạch tại nhiệt độ phòng – tức là hợp hạch “lạnh” – bị xem là bất khả thi.

Năm 1989, hai nhà khoa học ở Mỹ – Martin Fleischmann và Stanley Pons — thực hiện một số thí nghiệm về phản ứng hợp hạch. Họ đã đo được nhiệt thừa – tức là năng lượng nhiệt nhiều hơn có thể được giải thích bởi các nguyên lý khoa học truyền thống – và họ giả định rằng nhiệt thừa mà họ quan sát là do các phản ứng hợp hạch hạt nhân. Họ nhanh chóng trở thành hai “siêu sao” trong giới khoa học. Nhưng chỉ vài tuần sau, họ bị tố là những “nhà khoa học rác rưởi”, thậm chí là đã gian lận, sau khi hàng nghìn người khác thử lập lại thí nghiệm của họ nhưng không quan sát sự sản sinh nhiệt thừa. Như thế, chủ đề “hợp hạch lạnh’ hầu như bị chôn lấp hoàn toàn.


Picture

Kỹ sư Andrea Rossi với bộ E-Cat
Tuy nhiên, chủ đề này được sống lại vào năm 2011, khi ông Andrea Rossi, một kỹ sư người Ý, công bố một phát minh mới. Nó là một thiết bị to bằng tay con người, và nó đặc biệt ở chỗ, nó sản xuất năng lượng nhiều hơn nó được cấp vào. Nguyên liệu trong thiết bị của Rossi chỉ gồm bột niken, một chất hóa học (để xúc tác phản ứng), và hydro. Rossi không công bố tên của chất xúc tác.

Giới khoa học đã phẫn nộ với Rossi và gọi ông là kẻ lừa đảo. Dù thế, kỹ sư người Ý tiếp tục hoàn chỉnh sản phẩm của mình và nay đã bắt đầu bán các máy phát điện hợp hạch lạnh (dưới tên thương mại là “E-Cat”) với công suất lên tới 1 MW.

Gần đây, thái độ của giới khoa học đối với hợp hạch lạnh đã trở nên “ấm”, một phần lớn là vì có rất nhiều thí nghiệm chứng minh rằng E-Cat và các lò phản ứng hợp hạch lạnh tương tự hoạt động tốt – mặc dù dường như không ai, kể cả Rossi, hiểu chính xác các phản ứng hợp hạch lạnh xảy ra như thế nào.

Ví dụ, một nhóm khoa học đã thực hiện các đợt “kiểm nghiệm độc lập” đối với E-Cat vào tháng 2-3/2014 tại Lugano, Thụy Sĩ và kết quả được công bố vào tháng 10. Trong báo cáo của họ, nhóm khoa học độc lập (xin mời Quý độc giả tải về báo cáo Lugano tại đây) khẳng định rằng E-Cat thực sự có sản xuất nhiệt nhiều hơn có thể được giải thích bằng việc đốt các nguyên liệu theo các nguyên lý hóa học. Họ thừa nhận rằng họ “không thể giải thích về mặt lý thuyết” kết quả được đo. Báo cáo Lugano cũng bình luận rằng kết quả kiểm nghiệm của họ “quá đặc biệt và không thể không được nghiên cứu thêm”.

Một nhà khoa học khác, ông Alexander Parkhomov (Nga), cũng đã thực hiện nhiều thí nghiệm khoa học với các thiết bị giống như E-Cat và theo ông, chúng cũng sản xuất năng lượng thừa.

Hơn nữa, một số trường đại học (gồm ĐH Texas Tech ở Mỹ và ĐH Tohoku ở Nhật) đang thành lập các chương trình nghiên cứu và ủy ban khoa học để hiểu biết thêm về hợp hạch lạnh.

Picture

Lễ khai trương trung tâm nghiên cứu công nghệ hợp hạch lạnh tại ĐH Tohoku (Nhật) ngày 01/04/2015

Picture

Tuần sau, Hội nghị Hợp hạch lạnh Quốc tế thứ 19 (ICCF-19) sẽ được tổ chức tại Ý. Dù 18 hội nghị trước đây thường bị đánh giá thấp bởi giới khoa học chính thống, nhưng lần này, nhiều nhà đầu tư sẽ tham dự. Nổi bật nhất, Quỹ Bill Gates sẽ đến hội nghị.

Sau khi Bộ trưởng Năng lượng Piyush Goyal tìm hiểu về hợp hạch lạnh, ông đã đích thân yêu cầu tiến sĩ Kakodkar tìm hiểu thêm. Kết quả là cuộc họp tại Bengaluru vừa rồi.

Chuyển dịch bởi: Brian Ostrowski
Nguyên bản tiếng Anh: http://www.thehindubusinessline.com/news/science/scientists-meet-to-discuss-the-other-nuclear-energy/article7085742.ece

Nguồn : nangluongmoisaigon.org

Tin Liên Quan