Lãng phí năng lượng khi rửa tay bằng nước nóng
Các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu về năng lượng và môi trường Vanderbilt, Tennessee, Mỹ cho biết rửa tay bằng nước nóng là việc làm không cần thiết và gây lãng phí năng lượng. Sưởi ấm, làm mát và đun nước nóng là 3 hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong sinh hoạt của các hộ gia đình. Trong đó, đun nước nóng chiếm đến 15% năng lượng trong các gia đình tại Mỹ và Liên minh Châu Âu.
Nhiều người cho rằng rửa tay bằng nước nóng sẽ giúp loại bỏ vị khuẩn. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm, không phải lúc nào dùng nước nóng cũng là tốt. Bởi, nếu nhiệt độ của nước đủ nóng để giết chết vi khuẩn thì tay của bạn chắc chắn sẽ bị bỏng rộp, nếu không muốn nói là ngoài sức chịu đựng.
Theo các nhà khoa học, chỉ cần xoa đều xà phòng trong 20 giây, rửa tay bằng nước lạnh và sấy khô đúng cách, bạn đã có thể loại bỏ được vi khuẩn.
Bạn có thể tiết kiệm năng lượng thông qua việc rửa tay đúng cách bằng nước lạnh
Trước đó, một nghiên cứu của các nhà khoa học Na Uy cũng chỉ ra rằng lạm dụng nước nóng không hẳn là tốt. Giặt quần áo ở nhiệt độ 30oC cũng sạch tương đương với việc giặt ở 40oC. Trong khi đó, giặt ở 30oC còn giúp tiết kiệm 30% năng lượng và giảm làm hao mòn vải vóc.
Theo một nghiên cứu, người Mỹ rửa tay 800 tỷ lần mỗi năm. Hoạt động này tương đương với việc thải ra ngoài môi trường 6 triệu tấn CO2. Lượng khí thải tương đương với khí thải của hơn 1,25 triệu xe ô tô chở khách hoặc 2 nhà máy điện đốt than thải ra trong suốt 1 năm.
Làm một phép so sánh khác, 800 tỷ lượt rửa tay tạo ra khí thải bằng với khí thải của một quốc gia nhỏ như El Salvador hoặc Armenia. Nếu người Mỹ rửa tay bằng nước lạnh, họ sẽ giảm được lượng khí thải tương đương với việc sử dụng năng lượng của gần 300 ngàn hộ gia đình, hoặc tổng lượng khí phát thải của ngành công nghiệp kẽm tại nước này.
(Theo news.nationalgeographic.com)